728x90 AdSpace

Trending

KIẾN THỨC CƠ BẢN VÀ KỸ NĂNG TIẾP XÚC VỚI TRẺ LANG THANG

Trẻ lang thang là những đứa trẻ kiếm sống trên đường phố khiến không ít tình nguyện viên cảm thấy khó khăn khi lần đầu tiếp xúc.


1. Một số định nghĩa về trẻ lang thang

“Trẻ lang thang” hay “trẻ bụi đời” là cách gọi dân dã khá phổ biến ở Việt Nam, còn gọi theo thuật ngữ quốc tế là “trẻ đường phố” (Street children) mới được sử dụng trong thời gian gần đây. Trẻ lang thang là những đứa trẻ kiếm sống trên các tuyến đường của một thành phố. Chúng hoàn toàn không có sự chăm sóc và bảo vệ của gia đình. Đa số trẻ em trên các đường phố nằm trong khoảng từ 5 đến 17 tuổi, và số lượng của chúng trong các thành phố có sự khác biệt.

Ngay từ khi còn rất nhỏ các em đã phải bươn chải kiếm sống xa gia đình (Ảnh: Đồng cảm)
Trẻ em đường phố sống trong các toà nhà bỏ hoang, các hộp các-tông, công viên hay trên chính đường phố. Hiện tại, có thể tạm chia đối tượng trẻ này thành 2 nhóm: Những trẻ bụi đời không được cha mẹ quan tâm dẫn đến việc bỏ nhà đi lang thang và Những trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh sống thực sự khó khăn không nhà cửa, không có sự giám hộ của người lớn.

Còn theo định nghĩa của Unicef trẻ em đường phố có thể phân chia theo hai tiêu chí chính:

- Trẻ em đường phố là những đứa trẻ tham gia vào một số hoạt động kinh tế từ ăn xin tới bán dạo. Đa số về nhà vào cuối ngày và góp phần kiếm được của mình cho gia đình. Chúng có thể đến trường và vẫn có cảm giác thuộc về một gia đình. Bởi sự khó khăn về kinh tế của gia đình, những đứa trẻ đó có thể sẽ lựa chọn một cuộc sống thường xuyên và lâu dài trên đường phố.

- Trẻ em đường phố thực tế sống trên đường phố (hay bên ngoài một môi trường gia đình bình thường). Các mối quan hệ gia đình có thể hiện diện nhưng mong manh và chỉ được duy trì không thường xuyên.

Trẻ em đường phố có mặt tại nhiều thành phố lớn, đặc biệt tại các nước đang phát triển, đa phần trẻ bị lạm dụng lao động và hay tự phải xa lánh gia đình và có những tổn thương về mặt tâm lý. Tuy vậy, các em thường tỏ ra hào hiệp, tương trợ và thông cảm những người cùng cảnh ngộ. Các em có tính tự lập cao và biết cách tổ chức cho cuộc sống riêng của mình. Phần lớn các em có máu anh chị hoặc luôn thích thể hiện cái tôi của mình, có thể đấy chính là cách bảo vệ bản thân của các em.

Trẻ lang thang phải làm nhiều công việc khác nhau để mưu sinh cho chính bản thân và gia đình các em

2. Cách tiếp cận với trẻ lang thang

Dựa vào đặc thù tính cách và môi trường sống của từng nhóm đối tượng trẻ lang thang ta sẽ có những cách tiếp xúc khác nhau. Tuy nhiên có những nguyên tắc không thể bỏ qua với các đối tượng trẻ này mà nguời tiếp xúc cần lưu ý:

- Hãy đến với các em bằng tình cảm chân thành, xoá bỏ mặc cảm đối với trẻ như: thương hại, né tránh, khinh ghét, thị uy ..., tìm hiểu cảnh ngộ, tôn trọng tự do và nhu cầu của trẻ.

- Giúp đỡ một cách thiết thực, tôn trọng quyền tự quyết của trẻ, phát huy tiềm năng sẵn có của trẻ, giúp các em hoà nhập cộng đồng.

- Luôn luôn thành thật với các em, không nên vì an ủi mà hứa những việc không thể thực hiện được. Chia sẻ và lắng nghe những tâm sự của trẻ, đưa ra những lời khuyên cho trẻ.

- Hạn chế đề cập đến các vấn đề nhạy cảm tác động xấu đến các em và những điều khiến các em sợ như báo chí, công an, các đợt truy quét…

- Bạn cũng lưu ý không nên đặt mục tiêu quá cao khi thực hiện công việc đặc biệt với trẻ lang thang, ví dụ như bạn sẽ làm thay đổi cuộc sống của các em, cho các em 1 công việc lý tưởng,… Bạn nên thực tế trong hành động của mình, hãy coi như công việc của bạn giống như việc gieo mầm yêu thương. Để nếu có lúc nào đó, khi các em đứng trước ranh giới giữa cái xấu cái tốt hay sự sống còn các em sẽ nhớ tới những tình cảm chân thành của các anh chị tình nguyện, giúp các em có thể thay đổi quyết định của mình, có thêm niềm tin vào cuộc sống.

Giúp các em vui vẻ yêu đời và cung cấp cho các em các kiến thức thông tin bảo vệ cuộc sống của bản thân cũng là bạn đã giúp các em từng bước thay đổi bản thân

3. Một số lưu ý khác

Không có một kỹ năng nhất định nào để tiếp xúc với đối tượng luôn có sự biến động này, từng thành viên với kinh nghiệm bản thân và khả năng tiên đoán – cảm nhận của bản thân cần làm gì sẽ làm gì và làm thế sẽ được gì thì ta sẽ có những cách tiếp cận đặc biệt với từng nhóm trẻ. Tuy nhiên theo kinh nghiệm của nhiều người thì kỹ năng không thể thiếu là kỹ năng nói chuyện, hỏi chuyện các em.

- Bạn không nên đi một mình để tiếp xúc với một nhóm trẻ, hãy tranh thủ và nhờ sự giúp đỡ của các tình nguyện viên cũ hoặc những người quen biết có thể tin cậy cùng tiếp xúc với trẻ lang thang.

- Các bạn nên chủ động không quá máy móc vào sách vở mà hãy linh hoạt trong mọi tình huống để trao đổi với trẻ về: công việc thực tại, gia đình, bản thân hay bữa ăn hàng ngày (đi sâu vào nhu cầu thực tế của trẻ những điều gần gũi và các em cho là hợp lý: tối ăn gì, ngủ ở đâu, ngày bán được nhiều vé số chưa, chỗ này bán được hay chỗ kia bán được... đơn giản nhưng thực tế), hôm nay bán được nhiều hàng không ...

- Không nên đi sâu quá về gia đình và sử dụng các câu hỏi mang tính hỏi đáp mà chỉ có một câu trả lời có hoặc không. Hãy hỏi các em câu hỏi mở, khi cần có thể liên hệ bản thân, trong mỗi câu chuyện nên đặt niềm tin vào các câu trả lời của trẻ và cố gắng giúp cho trẻ tin vào người nói chuyện.

- Khi nói chuyện với trẻ cần có những hành động cụ thể về công việc hay ít ra chú ý lắng nghe quan sát tâm tư để câu chuyện không đi quá xa với những quan tâm của trẻ, có thể chủ động cùng làm với trẻ như: Đi cùng, giúp trẻ những công việc nhỏ khi cần thiết, chia sẻ những công việc được coi là nhẹ nhàng. Không nên ép, không nên hỏi quá nhiều thông tin trong một lần trao đổi, hãy chia sẻ thành nhiều lần và nhiều khoảng thời gian khác nhau.



Trò chuyện đi sâu vào nhu cầu thực tế của trẻ những điều gần gũi và các em cho là hợp lý: tối ăn gì, ngủ ở đâu, ngày bán được nhiều vé số chưa, chỗ này bán được hay chỗ kia bán được... đơn giản nhưng thực tế.

- Bạn không nên lấy lòng các em bằng cách mang theo quà bánh và cho tiền vì các em sẽ cảm thấy bạn thương hại các em và có thể là động cơ để các em sẽ lợi dụng lòng tốt của bạn. Luôn luôn thành thật với các em, không nên vì an ủi mà hứa những việc không thể thực hiện được.

- Bạn hãy uyển chuyển trong cách tiếp cận với từng đối tượng và đừng để các em thấy bạn thương hại các em ấy hay bạn quá tốt. Đôi khi lòng tốt của bạn không đặt đúng chỗ sẽ bị lợi dụng.

- Không dẫn các em về khu nhà trọ mình ở, hay nhà mình là nguyên tắc tối quan trọng mà bạn cần phải nhớ. Ngoài ra, việc cho trẻ số điện thoại cá nhân của mình cũng nên được bạn cân nhắc kỹ lưỡng vì đối tượng này khá phức tạp và bạn có thể gặp những phiền toái không đáng có về sau.

- Tốt nhất, khi tiếp xúc, giúp đỡ với mỗi đối tượng trẻ, bạn nên lập một nhóm để thảo luận ý kiến, để trước khi đưa ra quyết định hay khi cần sự trợ giúp bạn sẽ có ngay đồng minh hỗ trợ, tư vấn.

- Chủ động và coi trẻ như một người bạn, trẻ sẽ coi bạn là bạn của chúng.

Trên đây là một số kỹ năng cơ bản cho các đội nhóm tình nguyện khi tiếp xúc với trẻ lang thang. Các bạn cần phải hết sức lưu ý để tránh gây tổn thương cho trẻ và tổn thất cho chính bản thân mình.


Theo Tiin.Vn

No comments:

Item Reviewed: KIẾN THỨC CƠ BẢN VÀ KỸ NĂNG TIẾP XÚC VỚI TRẺ LANG THANG Rating: 5 Reviewed By: Admin